Không đứng tên sổ đỏ có vay ngân hàng được không? Các hình thức vay ngân hàng hiện nay là gì? Đây là vấn đề mà khách hàng của Bán nhà Đà Lạt hiện rất quan tâm khi thực hiện vay vốn ngân hàng để mua nhà. Sau đây Bán nhà Đà Lạt sẽ trả lời các câu hỏi trên bằng những thông tin sau:
Các hình thức vay ngân hàng hiện nay?
1. Hình thức vay thế chấp:
Thế chấp là việc một bên (bên thế chấp) dùng một hoặc nhiều tài sản để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tài sản thế chấp thường là bất động sản hoặc động sản nhưng không chuyển giao hoặc việc chuyển giao cho bên nhận thế chấp giữ sẽ gặp khó khăn trong việc giao nhận, giữ gìn và bảo quản. Bên thế chấp sẽ chuyển giao cho bên nhận thế chấp giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu cho bên nhận thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Việc giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản hạn chế bên thế chấp định đoạt tài sản. Trường hợp bên thế chấp không thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền (bên nhận thế chấp) sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng vay vốn: ngay sau khi thời điểm bên thế chấp và bên nhận thế chấp tiến hành công chứng hợp đồng thế chấp.
2. Hình thức vay tín chấp:
Vay tín chấp được hiểu là một hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ như các hình thức khác mà nó chỉ dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân có nhu cầu vay. Sự uy tín này được đánh giá dựa trên năng lực trả nợ, điểm tín dụng. Mức vay tín chấp thông thường sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức vay thế chấp do việc vay vốn này dựa trên uy tín cá nhân và không có tài sản để đảm bảo nghĩa vụ nên sẽ có nhiều rủi ro hơn các hình thức vay khác.
Đối tượng vay tín chấp thường thấy có thể kể đến các cá nhân, hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (được ưu tiên về lãi suất), các tổ chức kinh doanh…
3. Hình thức vay bảo lãnh:
Vay vốn còn có thể dựa vào tài sản của người khác, đây cũng là một hình thức của thế chấp, đưa tài sản thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án tuy nhiên điểm khác biệt ở đây so với thế chấp là người vay vốn không dùng tài sản của mình mà sẽ dùng tài sản của người khác.
Theo quy định của Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 thì bảo lãnh là một trong những phương pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: Theo đó thì người có quyền sử dụng đất sẽ tiến hành bảo lãnh cho bên đi vay để người này thực hiện việc vay vốn tại ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng bên có tài sản cam kết với ngân hàng dùng tài sản của mình để thanh toán cho khoản vay của bên đi vay nếu bên đi vay không trả được khoản nợ vay hoặc trả khoản nợ vay không đầy đủ, đúng hạn.
Những tài sản dùng để bảo đảm có thể là động sản hoặc bất động sản có đăng ký quyền sở hữu như: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu hàng hóa, quyền sở hữu cổ phần/phần vốn góp, ô tô, tàu,…
Không đứng tên sổ đỏ có vay ngân hàng được không?
Theo quy định tại Điều 500 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng về quyền sử dụng đất thì hợp đồng về quyền sử dụng đất được quy định như sau:
“Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.”
Theo đó thì người có quyền sử dụng đất có quyền định đoạt đối với tài sản của mình, trong đó có quyền bảo lãnh cho người khác để người đó thực hiện việc vay vốn ngân hàng. Trong trường hợp nếu người được bảo lãnh không có khả năng chi trả khoản nợ thì người đứng ra bảo lãnh phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ khoản nợ cho ngân hàng.
Điều kiện để một người có thể vay ngân hàng bằng tài sản của người khác là phải có văn bản ủy quyền của người có tài sản. Trường hợp nếu người có tài sản không ủy quyền thì giao dịch này là vô hiệu do không đáp ứng được điều kiện có hiệu lực được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể tại Điều 117 này thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, qua các phân tích nêu trên có thể thấy, nếu như người muốn vay ngân hàng nhưng không có tài sản thế chấp, không đứng tên trên sổ đỏ vẫn có thể vay ngân hàng qua hình thức tín chấp hoặc bảo lãnh.
Trên đây là câu trả lời của Bán nhà Đà Lạt về câu hỏi: Không đứng tên sổ đỏ có vay ngân hàng được không? Các hình thức vay ngân hàng hiện nay là gì? Trường hợp quý khách hàng còn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc vay ngân hàng, vui lòng liên hệ ngay Bán nhà Đà Lạt để được hỗ trợ nhé!